The Book of Shaders by Patricio Gonzalez Vivo & Jen Lowe

Bahasa Indonesia - Tiếng Việt - 日本語 - 中文版 - 한국어 - Español - Portugues - Français - Italiano - Deutsch - Русский - Polski - English


Nhóm nghiên cứu WMAP - NASA

Nhiễu

Sau một hồi vật lộn với các hàm ngẫu nhiên nhìn như màn hình TV hỏng, ít nhiều thì ta cũng sẽ quay cuồng và hoa mắt, giờ thì cùng nghỉ ngơi và dạo chơi tí nhé.

Ta cảm nhận được gió thổi qua da, nắng ấm rọi lên mặt. Thế giới quả là sống động. Màu sắc, họa tiết rồi cả âm thanh nữa. Hãy nhìn bề mặt của những con đường, hòn đá, ngọn cây và cả những đám mây nữa.

họa tiết khó đoán của những bề mặt này có thể coi là "ngẫu nhiên", nhưng tuyệt nhiên không giống như sự lộn xộn ở chương trước. Thế giới thực quả là rất phức tạp ! Làm sao để ta lột tả được sự đa dạng đó bằng máy tính đây ?

Đó cũng chính là câu hỏi mà Ken Perlin đã đi tìm câu trả lời suốt những năm đầu thập niên 80, khi ông chịu trách nhiệm tạo ra các họa tiết tự nhiên hết mức có thể cho bộ phim "Tron". Và kết quả là ông đã nhận được một giải Oscar với thuật toán tạo nhiễu của mình.

Tron  - Disney (1982)

Đoạn code dưới đây không hẳn là thuật toán tạo nhiễu Perlin cổ điển, nhưng là một bước đệm tốt để bắt đầu.

Trông na ná như những gì ta đã làm ở chương trước. Ta tách riêng phần nguyên và phần thập phân của số thực x vào hai biến if bằng hai hàm floor()fract(). Sau đó chỉ sinh số ngẫu nhiên từ phần nguyên, kết quả sẽ giống nhau cho dù bạn có chạy bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Hai dòng cuối đã bị comment đi. Dòng đầu tiên sẽ nội suy tuyến tính 2 giá trị ngẫu nhiên ở 2 ô liên tiếp.

y = mix(rand(i), rand(i + 1.0), f);

Hãy uncomment xem đồ thị thay đổi thế nào. Tôi dùng chính phần thập phân có được từ hàm fract() và lưu trong biến f phía trên, để quyết định tỉ lệ nội suy giữa 2 số dùng hàm mix().

Nếu bạn đã đọc tới đây, hẳn là bạn đã biết chúng ta có những cách nội suy khác ngoài tuyến tính phải không ? Hãy thử uncomment dòng cuối cùng trong đoạn phía trên, tôi đã dùng hàm smoothstep() thay cho nội suy tuyến tính đó.

y = mix(rand(i), rand(i + 1.0), smoothstep(0.,1.,f));

Bạn sẽ thấy các đỉnh bớt nhọn hơn. Ở rất nhiều thuật toán sinh nhiễu, bạn sẽ để ý thấy các lập trình viên thường sử dụng đường cong của riêng họ (ví dụ công thức dưới đây), thay vì dùng hàm smoothstep().

float u = f * f * (3.0 - 2.0 * f ); // công thức đường cong bậc 3 với tham số riêng
y = mix(rand(i), rand(i + 1.0), u); // dùng kết quả để xác định tỉ lệ nội suy

Sự ngẫu nhiên có chuyển tiếp rất êm này thực sự là một cuộc cách mạng cho kỹ sư đồ hoạ và cả hoạ sỹ nữa - nó cho ta khả năng sinh ra các ảnh và hình khối có cảm giác hết sức tự nhiên. Thuật toán sinh nhiễu của Perlin (Perlin Noise) đã được code đi code lại trên các ngôn ngữ lập trình khác nhau để tạo nên vô vàn tác phẩm mê hoặc có tính sáng tạo cao.

Tác phẩm 'Written Images' - Robert Hodgin (2010)

Giờ tới lượt bạn:

Nhiễu 2 chiều

Trên đây là cách tạo nhiễu 1 chiều, giờ hãy thử 2 chiều xem sao. Thay vì nội suy giữa 2 điểm fract(x)fract(x)+1.0, ở không gian 2 chiều, ta sẽ nội suy giữa 4 đỉnh của một tứ giác (fract(st), fract(st)+vec2(1.,0.), fract(st)+vec2(0.,1.)fract(st)+vec2(1.,1.)).

Tương tự như vậy, nếu ta muốn sinh nhiễu 3 chiều thì sẽ phải nội suy giữa 8 đỉnh của một khối lập phương (có thể vát). Kỹ thuật này hoàn toàn dựa trên phép nội suy giữa các điểm ngẫu nhiên cố định (value), nó được gọi là value noise.

Và cũng giống như phần sinh nhiễu 1 chiều, nếu sử dụng hàm nội suy bậc 3 (cubic) thay vì tuyến tính, thì ta sẽ thu được nhiễu rất mịn.

Hãy xem hàm sinh nhiễu dưới đây:

Đầu tiên ta tạo lưới 5x5 (dòng 45) để nhìn rõ vùng chuyển tiếp giữa các ô. Trong hàm sinh nhiễu, ta xác định toạ độ của mỗi ô (số nguyên) để sinh số ngẫu nhiên đại diện cho 4 đỉnh (dòng từ 23 tới 26). Cuối cùng ở dòng 35 ta nội suy cả 4 giá trị dựa vào phần thập phân.

Giờ tới lượt bạn:

Bức tranh 'Three ' của Mark Rothko (1950)

Ứng dụng nhiễu vào các thiết kế ngẫu nhiên

Các thuật toán sinh nhiễu ban đầu được thiết kế để thổi hồn vào các bức tranh kỹ thuật số. Các thuật toán 1 chiều và 2 chiều ta thấy trong chương này đều chỉ nội suy giữa các số ngẫu nhiên có sẵn, nên được gọi là Value Noise, nhưng còn nhiều cách khác để sinh nhiễu ...

Value Noise của Inigo Quilez

Ở ví dụ phía trên, ta có thể thấy nhiễu sinh bởi nội suy trông như bị "vỡ ảnh". Để loại bỏ hiệu ứng này, Ken Perlin đã phát minh ra một thuật toán khác năm 1985 gọi là Gradient Noise. Ken tìm ra cách để nội suy giữa các dải màu gradient thay vì giữa các số cố định. Các dải màu này lại lại kết quả của một hàm sinh nhiễu 2 chiều khác. Click vào ảnh dưới đây để xem code của mẫu thiết kế này.

Gradient Noise của Inigo Quilez

Hãy dành một chút thời gian để quan sát 2 ví dụ sau của Inigo Quilez để so sánh sự khác nhau giữa value noisegradient noise.

Nếu một hoạ sỹ phải nắm rất rõ cách kết hợp màu trong các bức tranh, thì ta cũng phải hiểu tường tận các cách sinh nhiễu khác nhau thì mới tận dụng được. Ví dụ, nếu ta dùng nhiễu hai chiều để bẻ cong canvas đang có rất nhiều đường thẳng song song, ta có thể tạo nên vân bề mặt trông giống như gỗ vậy. Bạn có thể click vào ảnh dưới đây để xem code.

Họa tiết gỗ

    pos = rotate2d( noise(pos) ) * pos; // xoay trục toạ độ theo nhiễu
    pattern = lines(pos,.5); // vẽ các đường thẳng

Một cách khác để tạo nên các họa tiết thú vị từ nhiễu là coi nó như 1 distance field và áp dụng các kỹ thuật được mô tả ở Chương Hình dạng.

Họa tiết giọt rơi vãi trên sàn

    color += smoothstep(.15,.2,noise(st*10.)); // Các giọt bắn
    color -= smoothstep(.35,.4,noise(st*10.)); // Các vũng bắn

Cách thứ ba là dùng hàm sinh nhiễu để khiến các hình vẽ chuyển động. Để làm được thì ta cũng cần tới vài kỹ thuật được nhắc tới ở Chương Hình dạng.

Để tập luyện:

Bức tranh 'Number 14 gray' của Jackson Pollock (1948)

Nhiễu cải tiến

Perlin đã tự cải tiến thuật toán sinh nhiễu ban đầu của ông để tạo ra Simplex Noise, bằng cách thay thế đường cong Hermite( f(x) = 3x^2-2x^3 , cho kết quả giống với hàm smoothstep()) bằng một đường cong bậc 5 (quintic) có công thức f(x) = 6x^5-15x^4+10x^3. Công thức nội suy này khiến cho hai đầu đường cong phẳng hơn và che được sự chuyển tiếp giữa 2 ô. Bạn có thể kiểm chứng điều đó bằng cách uncomment công thức thứ 2 ở đoạn code dưới đây (hoặc so sánh 2 phương trình cạnh nhau)

Chú ý hai đầu của đồ thị để dễ so sánh. Bạn có thể tìm hiểu thêm bằng nghiên cứu của chính Ken.

Simplex Noise

Đối với Ken Perlin thì sự thành công của thuật toán sinh nhiễu là chưa đủ, ông ấy nghĩ rằng có thể làm tốt hơn nữa. Ở hội nghị Siggraph 2001 ông đã thuyết trình thuật toán mới cải tiến hơn thuật toán cũ, gọi là "simplex noise":

Tôi biết bạn đang tự hỏi ... "Đây là cao nhân phương nào?" Đúng vậy, các sản phẩm của ông thật siêu đẳng! Nhưng nói một cách nghiêm túc thì ông tự cải tiến thuật toán bằng cách nào ? Đầu tiên ông ấy quan sát cách sinh nhiễu ở không gian 2 chiều và thấy cần dùng 4 đỉnh, ở không gian 3 chiều sẽ cần 8 đỉnh và 4 chiều thì cần 16 đỉnh. Vậy là để sinh nhiễu ở không gian N chiều thì ta sẽ cần 2^N đỉnh. Và Ken đã nhanh chóng nhận ra rằng một tứ giác 4 đỉnh đâu phải hình học đơn giản nhất ở không gian 2 chiều đâu, đó phải là hình tam giác mới đúng. Và nếu muốn lấp đầy không gian bằng một lưới các tam giác thì tam giác đều sẽ giúp việc code đơn giản hơn. Ý tưởng cải tiến chỉ có vậy.

Và để sinh nhiễu cho không gian N chiều, ta sẽ chỉ cần N + 1 đỉnh. So với thuật toán cũ, thuật toán mới này giúp ta tiết kiệm 1 đỉnh ở không gian 2 chiều, 4 đỉnh ở không gian 3 chiều và 11 đỉnh ở không gian 4 chiều! Số lượng phép tính được cắt bớt cực kỳ nhiều. Quả là một cải tiến vượt bậc.

Lúc này, để tính toán giá trị nhiễu tại một điểm ảnh, ta chỉ cần mix giá trị ngẫu nhiên tại 3 đỉnh.

Vậy để tạo ra lưới tam giác (simplex grid) này thì làm thế nào ? Lại thêm một nước đi sáng suốt và tinh tế nữa, chỉ bằng cách chia đôi mỗi ô vuông ở lưới dạng bảng thông thường thành 2 nửa tam giác, rồi xô nghiêng (skew) cả lưới tới khi 3 cạnh của mỗi tam giác bằng nhau là được.

Stefan Gustavson đã mô tả thuật toán này trong báo cáo của ông như sau:

"...chỉ cần kiểm tra phần nguyên trong toạ độ (x,y) của điểm ảnh ta cần tô màu, ta có thể nhanh chóng xác định nó ở ô vuông nào trong lưới dạng bảng. Rồi cũng chỉ cần so sánh x với y là ta biết được điểm ảnh nằm ở tam giác nào trong ô vuông đó, cuối cùng chỉ cần nội suy giá trị giữa 3 đỉnh tam giác là xong."

Trong đoạn code dưới đây, bạn có thể uncomment dòng 44 để thấy lưới vuông bị xô nghiêng như thế nào, và uncomment tiếp dòng 47 để thấy một lưới tam giác được hình thành. Ở dòng 22, chỉ với một phép so sánh đơn giản x > y, ta có thể xác định được điểm ảnh nằm ở tam giác nào trong số 2 tam giác tạo thành mỗi ô vuông.

Các cải tiến này đã góp phần tạo nên một thuật toán kiệt tác gọi là Simplex Noise. Hình vẽ dưới đây được tạo bởi chính thuật toán này trong GLSL bởi Ian McEwan và Stefan Gustavson (và được mô tả trong báo cáo này) với một mức độ phức tạp quá tầm với một dự án giáo dục như thế này, nhưng nếu bạn click vào hình thì sẽ thấy ngạc nhiên là code rất ngắn gọn và tối ưu.

Simplex Noise  - Ian McEwan từ Ashima Arts

Chà... lý thuyết thế đủ rồi nhỉ, giờ hãy xắn tay áo lên nào:

Ở chương này chúng tôi đã giới thiệu một vài kỹ thuật giúp kiểm soát sự hỗn loạn. Không dễ chút nào! Để trở thành một noise-bender thành thạo tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Ở các chương tiếp theo ta sẽ thấy một vài kỹ thuật nổi tiếng khác giúp bạn hoàn thiện bộ kỹ năng của mình để bắt đầu thiết kế ra những tác phẩm có chất lượng cao bằng shader. Cho tới lúc đó, hãy tận hưởng thiên nhiên và cố gắng tìm ra các họa tiết ẩn giấu từ Mẹ Trái Đất nhé. Kỹ năng quan sát của bạn ít ra cũng phải tương đồng với kỹ năng chế tác. Hãy thư giãn nhé!

"Hãy làm bạn và nói chuyện với cái cây" - Bob Ross